Làm Thiên nguyên hoàng đế Bắc_Chu_Tuyên_Đế

Các sử gia mô tả rằng sau khi Tuyên Đế truyền ngôi cho Tĩnh Đế, ông trở nên đặc biệt hoang phí, hoang tưởng tự đại và không biết chừng mực. Ông xưng là "thiên" với hạ thần, và yêu cầu các đại thần đến triều kiến trước đó phải ăn chay trong ba ngày, tịnh thân một ngày. Ông không cho phép các đại thần dùng dây đai hay đồ trang trí trên phục trang của họ, và ông cấm dùng các chữ như "thiên" (天), "cao" (高), "thượng" (上), và "đại" (大), ngoại trừ bản thân ông. Ông cấm các phụ nữ ở bên ngoài cung sử dụng mỹ phẩm. Ông ra lệnh rằng tất cả các bánh xe đều phải làm từ một khúc gỗ duy nhất, không cho phép lắp ghép.

Thêm vào đó, bất cứ khi nào Tuyên Đế gặp các hạ thần, ông chỉ thảo luận với họ về việc thay đổi các phong tục như thế nào hoặc xây cung điện như thế nào, không chú tâm vào viện quốc gia đại sự. Ông dành thời gian cho du hí, xuất theo các tùy tùng. Các hạ thần thường bị phạt đánh, ban đầu là 120 gậy mỗi lần và sau đó tăng lên 240 gậy. Ông gây ra nỗi khiếp đảm đối với các hạ thần và thậm chí với các phụ nữ trong hậu cung, đến nỗi không ai dám nói gì cả.

Vào mùa hè năm 579, Tuyên Đế phong mẹ đẻ của Kính Đế là Chu Mãn Nguyệt làm "Thiên nguyên hoàng hậu". Ông cũng phong thái ấp cho các hoàng thúc: Triệu vương Vũ Văn Chiêu, Trần vương Vũ Văn Thuần (宇文純), Việt vương Vũ Văn Thịnh (宇文盛), Đại vương Vũ Văn Đạt (宇文達), và Đằng vương Vũ Văn Du (宇文逌), và phái họ đến thái ấp của mình, nằm cách xa Trường An.

Vào mùa thu năm 579, trong một hành động rất không chính thống, Tuyên Đế đã phong thêm hai hoàng hậu nữa -- Nguyên Lạc Thượng trở thành "thiên hữu hoàng hậu" và Trần Nguyệt Nghi trở thành "thiên tả hoàng hậu", cải phong Chu Mãn Nguyệt là "thiên hoàng hậu". Cũng trong khoảng thời gian này, khi Uất Trì Sí Phồn (tức phụ của Kỉ quốc công Vũ Văn Lượng) vào cung thỉnh an ông, ông đã cưỡng hiếp bà.

Vào mùa đông năm 579, Tuyên Đế chính thức chấm dứt các cấm đoán chống Đạo giáo và Phật giáo mà Vũ Đế từng ban ra, và đích thân ông đã ngồi cùng tượng các vị thánh của Phật giáo và Đạo giáo. Ông cũng tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào kình địch là Nam triều Trần. Vào mùa xuân năm 580, quân Bắc Chu đoạt được lãnh thổ nằm giữa Hoài HàTrường Giang từ tay Trần. Khi quân đội triệt thoái, tướng Vũ Văn Lượng đã cố gắng phục kích thượng cấp Vi Hiếu Khoan (韋孝寬) và đoạt lấy đội quân của Vi và tuyên bố nổi dậy. Vi Hiếu Khoan đã phát hiện ra âm mưu của Vũ Văn Lượng và đã có thể đẩy lui cuộc tấn công và giết chết Vũ Văn Lượng. Tuyên Đế sau đó cũng giết chết con trai của Vũ Văn Lượng là Tây Dương quận công Vũ Văn Ôn (宇文溫), và sau đó đưa Uất Trì công phu nhân về làm thiếp. Sau đó, chống lại lời phản đối rằng ông đã có quá nhiều hoàng hậu, ông đã phong Uất Trì Sí Phồn làm "thiên tả đại hoàng hậu".

Trong khi đó, Tuyên Đế nghi ngại trước tài năng của nhạc phụ Dương Kiên, và ông đã tính đến việc giết chết Dương Kiên song cuối cùng đã không thực hiện. Do Dương Kiên và Trịnh Dịch là bằng hữu, Dương Kiên đã bí mật thỉnh cầu Trịnh Dịch trao cho ông ta một chức vụ ở cách xa kinh thành, và ngay sau đó, theo đề xuất của Trịnh Dịch, Tuyên Đế đã phong Dương Kiên đi chỉ huy đội quân chống Trần.

Tuy nhiên, trước khi đội quân đánh Trần hành quân, Tuyên Đế đột nhiên lâm bệnh vào mùa hè năm 580. Tuyên Đế đã triệu các trợ thủ là Lưu Phưởng (劉昉) và Nhan Chi Nghi (顏之儀) đến để cố giao phó các công việc, song khi hai người đến nơi, Tuyên Đế đã không còn nói được. Sau khi hỏi ý Trịnh Dịch, Vi Mô (韋謨) và Hoàng Phủ Tích (皇甫績), Lưu Phưởng đã quyết định triệu Dương Kiên đến để phục vụ Tuyên Đế và trở thành nhiếp chính nếu Tuyên Đế qua đời, bất chấp việc Nhan Chi Nghi muốn Vũ Văn Chiêu làm nhiếp chính. Đầu tiên, Dương Kiên đã từ chối do lo sợ rằng đây là một cái bẫy, song cuối cùng đã vào cung. Tối hôm đó, Tuyên Đế qua đời, và Dương Kiên đoạt lấy quyền kiểm soát hoàng cung và cấm quân. Trong vòng một năm, Dương Kiên đã đoạt lấy ngai vàng, chấm dứt triều Bắc Chu và thiết lập triều Tùy.